Sáng 16-1, tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2020 – 2021.
Sáng 16-1, tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2020 – 2021.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, cuộc thi nhằm kích thích sự sáng tạo trong học sinh, phát triển năng lực tự học, giúp học sinh bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học, rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống.
Ngoài ra, cuộc thi cũng tạo cơ hội khởi nghiệp cho học sinh, góp phần đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động dạy và học, đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập, nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường.
Đặc biệt, cuộc thi đã giúp học sinh có cơ hội gắn kết với các môi trường xã hội (như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, địa phương…), là cơ hội để học sinh có những sản phẩm sáng tạo giúp ích xã hội. Bên cạnh đó, cuộc thi cũng là sân chơi cho học sinh giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ đam mê nghiên cứu khoa học.
Đề tài "Nhận thức về năng lực trí tuệ cộng tác của học sinh THPT - Thực trạng và giải pháp" của hai học sinh Huỳnh Nhật Ánh và Trần Như Quỳnh, Trường THPT Trần Khai Nguyên
Năm nay, cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tại TPHCM phát triển về số lượng đơn vị, học sinh tham gia và về chất lượng các đề tài. Tổng cộng có 863 đề tài đăng ký dự thi chung kết cấp TP, trong đó 395 đề tài ở bậc THCS và 485 đề tài của học sinh THPT, 4 đề tài của các đơn vị trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên với tổng số học sinh dự thi gần 1.600 học sinh.
Qua công tác tuyển chọn, vòng thi chung kết cấp TP đã ghi nhận sự góp mặt của 50 đề tài đến từ 27 trường THCS và THPT trên địa bàn TP. Trong đó, một số đơn vị có nhiều đề tài dự thi ở vòng chung kết như Trường THPT chuyên Lê Hồng phong (8 đề tài), THPT Gia Định (5 đề tài)…
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, nhiều đề tài có ý tưởng sáng tạo cao, gần gũi thực tế và tính ứng dụng như “Thiết bị thông minh tích hợp chức năng nhận diện cảm xúc qua hình chụp camera và trợ lý ảo tạo cảm giác được quan tâm cho học sinh THPT”, “Ứng dụng di động giúp khắc phục tâm lý trì hoãn của học sinh THCS trong việc hoàn thành nhiệm vụ học tập”, “Thử hàn the từ dịch chiết của củ hành tây”, “Thiết kế hệ thống đèn chiếu sáng thông minh chống ô nhiễm ánh sáng ứng dụng trong lớp học”...
Nhóm tác giả đề tài "Thực trạng và giải pháp cho vấn đề tính nam độc hại của học sinh trường THCS" đang báo cáo đề tài với một thành viên ban giám khảo
Với đề tài “Thùng rác thông minh 4.0 tích hợp đa tính năng với đèn cực tím có khả năng khử khuẩn”, nhóm học sinh nghiên cứu gồm 2 em Hoàng Như Yến Thảo và Trịnh Minh Đăng, lớp 9/3, Trường THCS Quang Trung (quận Gò Vấp) đã phân chia công việc rất khoa học.
Theo đó, Minh Đăng phụ trách phần thiết kế, Yến Thảo lo phần lập trình. Để thực hiện đề tài nghiên cứu, các em đã thực hiện 3 bước gồm: Tìm hiểu về cơ chế hoạt động của bo mạch và hệ thống bộ vi mạch điều khiển; Thiết kế bản vẽ, đo đạc và lắp ráp khung mô hình; Lắp đặt và hoàn thiện hệ thống các hoạt động của bo mạch.
Minh Đăng cho biết, lý do em chọn đề tài này là do nhận thức được tình hình ô nhiễm rác thải các loại. Theo kết quả một cuộc nghiên cứu, mỗi năm có trung bình 141 triệu tấn rác bao bì thải ra môi trường. Từ thực tế đó, các em mong muốn sử dụng thùng rác thông minh giúp phòng chống sự phát tán vi khuẩn, dịch bệnh ra bên ngoài. Hệ thống sau khi hoàn thiện sẽ có tính thân thiện với môi trường, đặc biệt trong các khu cách ly phòng chống dịch.
Thùng rác do nhóm nghiên cứu đề xuất có tích hợp chức năng khử khuẩn, thể hiện cảm xúc với người sử dụng (biểu tượng mặt buồn khi rác đầy thùng), chế độ âm thanh (nhắc nhở người sử dụng “bỏ rác”, “cảm ơn”, “tạm biệt”…), có đèn tự động cung cấp ánh sáng.
Một thành viên ban giám khảo góp ý cho sản phẩm Robot lọc và điều hòa không khí của nhóm học sinh đến từ Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh)
Với đề tài “Thực trạng Monday Blues ở học sinh THPT và một số giải pháp khắc phục” của hai học sinh Huỳnh Hồng Ngọc và Lê Nguyễn Minh Quân, học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), nhóm khảo sát đã nghiên cứu tâm lý, sức khỏe tinh thần của trên 500 học sinh. Kết quả, các em nhận ra nhiều học sinh có trạng thái tâm lý bất ổn, hay còn gọi là “Hội chứng ngày thứ hai”.
Đơn cử, về vấn đề thể lực, có đến 21,72% học sinh cho rằng thể lực kém hơn rất nhiều so với các ngày trong tuần, 52,19% cho rằng kém hơn một chút. Về tinh thần, có đến 44,53% học sinh tự nhận xét kém hơn rất nhiều và 44,89% học sinh được khảo sát cho biết kém hơn một chút các ngày còn lại trong tuần.
Đánh giá về ảnh hưởng của hội chứng ngày thứ hai đến các mặt hoạt động của học sinh, các em cho biết ảnh hưởng đến kết quả học tập, hiệu quả hoạt động thể dục thể thao, nghệ thuật và ảnh hưởng đến các mối quan hệ của các em,
Từ đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp như tổ chức các buổi ngồi thiền, trà đạo cho học sinh, trồng thêm nhiều cây xanh trong lớp học, thay thế các buổi sinh hoạt chuyên đề dưới cờ bằng các hoạt động diễn kịch, văn nghệ, tổ chức trò chơi… tạo tâm lý thoải mái và tiếp thêm năng lượng tích cực cho học sinh.
Nhiều học sinh cho biết rất tự tin với đề tài nghiên cứu của mình
Từ 50 đề tài dự thi ở vòng chung kết, hội đồng giám khảo sẽ chọn ra 6 đề tài tham gia kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2020 – 2021 do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Huế vào tháng 3-2021.
THU TÂM