Ngày nay sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) đã trở thành một động lực tất yếu cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng đến việc phát triển CNTT nhằm thích ứng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có bước đi đúng trong phát triển CNTT, là một trong những địa phương của cả nước đi đầu trong việc xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Với chủ trương đi trước, đón đầu cơ hội để phát triển, Thừa Thiên Huế đang thúc đẩy phát triển CNTT một cách mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Do đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu chung là đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp CNTT của tỉnh định hướng đến năm 2025.
Cụ thể, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đến hết năm 2020, đào tạo và huy động hơn khoảng 2.000 nhân lực CNTT; đến năm 2025 đạt 10.000 nhân lực CNTT phục vụ phát triển công nghiệp CNTT. Thúc đẩy triển khai xây dựng Khu trung tâm công nghệ thông tin tỉnh, là nơi ươm tạo, phát triển doanh nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực CNTT. Tổ chức tốt công tác khảo sát, phân tích, đánh giá trong lĩnh vực công nghiệp CNTT làm tiền đề cho việc xây dựng Kế hoạch phát triển công nghiệp CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025 đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Với sự ra đời của hệ thống ứng dụng Hue-S (cung cấp chức năng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, khách du lịch phản ánh toàn diện các hoạt động trên địa bàn tỉnh khi nhận thấy các vấn đề bất cập bằng cách gửi phản ánh về Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh kèm theo hình ảnh chụp hoặc quay video clip) và Hue-G (dành cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc quản lý, theo dõi, xử lý các ứng dụng chính quyền điện tử). Có thể nói, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt nhiều thành tựu nổi bật về ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý kinh tế - xã hội tại địa phương. Có được thành công trên, không thể không kể đến những đóng góp to lớn của nguồn nhân lực CNTT trong tỉnh.
|
Đồng chí Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (đứng giữa) tại Hội nghị xúc tiến đầu tư CNTT năm 2019 tại tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Xây dựng nguồn nhân lực CNTT là nhiệm vụ ưu tiên
Xác định tầm quan trọng của phát triển CNTT trong bối cảnh hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chủ trương và kế hoạch cụ thể nhằm phát triển nhân lực CNTT. Trong đó, Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 03/02/2020 của UBND tỉnh về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020 đã đề ra những mục tiêu và giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp CNTT của tỉnh năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Kế hoạch này cũng nhằm xây dựng và thực hiện được giải pháp, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực CNTT được phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, cơ sở đào tạo, thị trường lao động CNTT cho tỉnh một cách hiệu quả, bền vững và lâu dài; đồng thời đưa ra phương án đểthu hút, kêu gọi tối thiểu 15 doanh nghiệp trong nước và 03 doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia hợp tác, đầu tư tại tỉnh trong năm 2020...
Định hướng phát triển công nghiệp CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, phấn đấu đạt 70% nguồn nhân lực chủ yếu tập trung vào dịch vụ nội dung số dựa trên chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm thông minh, tập trung vào lĩnh vực du lịch thông minh và y tế thông minh; 30% còn lại lĩnh vực gia công phần mềm và dịch vụ phần cứng. Với mục tiêu Thừa Thiên Huế sẽ một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển các ứng dụng, sản phẩm dịch vụ thông minh liên quan đến di sản văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu và trí tuệ nhân tạo; trở thành một thực thể quan trọng nhất trong hệ sinh thái các trung tâm công nghệ số của các lĩnh vực chuyên ngành.
Theo định hướng chung của tỉnh Thừa Thiên Huế, phát triển công nghiệp CNTT đang được ưu tiên thu hút đầu tư tại địa phương trong thời gian tới. Do vậy, việc chuẩn bị nguồn nhân lực CNTT có trình độ, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và doanh nghiệp đang được tỉnh quan tâm và đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để đón đầu xu thế cũng như tạo được nhiều cơ hội về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trong bối cảnh địa phương đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp CNTT trong thời gian gần đây.
Phấn đấu đến năm 2025 đạt 10.000 lao động CNTT
Để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp, đảm bảo mục tiêu đến 2025 Thừa Thiên Huế là một trong 05 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về công nghiệp CNTT theo đề án phát triển công nghiệp CNTT, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương giao cho các trường đại học, cao đẳng nghiên cứu, đề xuất phương án hợp tác với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo, tuyển dụng lao động và phối hợp thực hiện một số nội dung hợp tác khác nhằm thu hút tuyển sinh vào lĩnh vực CNTT. Trong đó, phải có định hướng mục tiêu tuyển sinh cụ thể nhằm chuyển tải, định hướng nghề nghiệp cho học sinh nghiên cứu; đồng thời có kế hoạch làm việc cụ thể với các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn để định hướng nghề nghiệp, xây dựng chương trình hợp tác đào tạo về kỹ năng CNTT, STEM, đánh giá, nắm bắt nhu cầu nguồn lao động theo từng thời kỳ. Thực hiện việc khảo sát đánh giá, rà soát thực trạng phát triển CNTT trong đó tập trung vào chất lượng đào tạo nguồn CNTT để có kế hoạch triển khai phù hợp; tổ chức sàn giao dịch việc làm trong lĩnh vực CNTT. Tổ chức gặp mặt, trao đổi với giáo viên ngành giáo dục về định hướng phát triển CNTT của tỉnh; gặp mặt học sinh tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh về định hướng nghề nghiệp về CNTT. Ngoài ra, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức chương trình gặp mặt đội ngũ CNTT tại Thành phố Hồ Chí Minh; khởi công dự án xây dựng tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tập trung tại khu đô thị mới An Vân Dương; công bố và vận hành cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực CNTT để định hướng nghề nghiệp; tổ chức Hội nghị về chuyển đổi nghề nghiệp về lĩnh vực CNTT…
Liên quan đến kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực CNTT nhằm phục vụ cho xã hội cũng như nhu cầu nhân lực của tỉnh Thừa Thiên Huế đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian tới, hiện nay Trường Đại học Phú Xuân là đơn vị tiên phong trong việc ký kết chiến lược đào tạo nguồn nhân lực CNTT tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Vừa qua, trường đã ký kết với UBND tỉnh và các doanh nghiệp CNTT nhằm đảm bảo nguồn nhân lực mới cho các doanh nghiệp. Theo tính toán của Trường Đại học Phú Xuân, để đảm bảo nguồn nhân lực 10.000 người trong lĩnh vực CNTT, đầu vào ngành CNTT và các ngành phụ trợ phải đạt quy mô 2.000 - 3.000 sinh viên/năm, trong đó sinh viên chuyên ngành CNTT cần khoảng 1.500 sinh viên/năm, chiếm khoảng 15% số sinh viên nhập học tại Huế hàng năm. Tuy nhiên, hiện con số này mới đạt 350 sinh viên. Vì vậy, bên cạnh việc đào tạo chính quy, Trường Đại học Phú Xuân còn triển khai chương trình chuyển đổi nghề lập trình viên cho các sinh viên ngành khác. Sau một năm triển khai, Trường Đại học Phú Xuân và đối tác CodeGym đã đào tạo chuyển đổi nghề và nâng cao năng lực cho 140 học viên, cung cấp nhân sự cho các doanh nghiệp tại Huế. Dự kiến trong năm 2020, con số đào tạo chuyển đổi nghề sẽ đạt khoảng 250 - 300 học viên được đào tạo và đảm bảo việc làm. Quy mô tuyển sinh ngành CNTT tại trường sẽ đạt 500 - 1.000 sinh viên/năm cho đến năm 2025. Hiện nay, tất cả các sinh viên ngành CNTT tại Trường Đại học Phú Xuân đã được doanh nghiệp đặt hàng và tất cả đều có việc làm trong quá trình học tập và chưa tốt nghiệp.
Tại Đại học Huế, để giúp phát triển nhân lực CNTT tại tỉnh nhà trong bối cảnh hiện nay, các trường đại học đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hút cũng như nâng cao chất lượng việc đào tạo sinh viên ngành CNTT. Hiện nay, Khoa CNTT đã thực hiện thay đổi chương trình đào tạo đại học ngành CNTT sao cho các môn học sát với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp CNTT, giảm thiểu các nội dung đào tạo hàn lâm (ví dụ các môn toán học chuyên sâu). Từ năm 2015 đến nay, khoa kết hợp với FPT Software trong việc giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của sinh viên cho một số môn học của chuyên ngành CNTT.
Các đơn vị đào tạo trong lĩnh vực CNTT khác tại địa bàn tỉnh cũng đã có những điều chỉnh phù hợp theo xu hướng phát triển của ngành công CNTT với cách tiếp cận hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xu hướng phát triển của lĩnh vực theo xu hướng hiện nay.
Thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNTT tại Huế
Với những chính sách ưu đãi phù hợp để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực CNTT, trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hút được nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đầu tư. Cụ thể, trong buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 14/02/2020, ông Fujiki Masaru, Chủ tịch Công ty Brycen (Nhật Bản) đánh giá cao những chính sách, chiến lược phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế nhất là trong lĩnh vực CNTT - lĩnh vực mà hiện công ty đang đầu tư và hoạt động chính tại Việt Nam và Huế. Ông Fujiki Masaru cũng đã chia sẻ về kế hoạch phát triển của Công ty TNHH MTV Brycen Việt Nam, trong đó sẽ có kế hoạch phát triển một trung tâm mới nhất và hiện đại nhất về công nghệ “8K và 5G” tại Huế. Công ty TNHH MTV Brycen Việt Nam hiện có trụ sở tại thành phố Huế. Số lượng nhân viên của Công ty hiện nay có khoảng 310 nhân viên, với ước tính số lượng nhân viên sẽ tăng lên 500 người trong vòng 02 năm tới, khi xu thế phát triển về CNTT cũng như nhu cầu xã hội đang tăng.
Hiện nay, có hai doanh nghiệp lớn gồm Công ty Iglu Network và Công ty Snow Bricks đang có những hoạt động hợp tác đầu tư và phát triển về CNTT tại Huế. Đánh giá cao môi trường sống, tiềm năng và định hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là mục tiêu phát triển CNTT, Công ty Iglu Network quyết định lựa chọn Huế là địa điểm để mở công ty, bổ sung Huế và Việt Nam vào danh sách mạng lưới làm việc Iglu Network toàn cầu. Mục tiêu trong năm 2020 của Iglu là sẽ đưa 30 chuyên gia CNTT đến Việt Nam làm việc, đồng thời mong muốn kết nối và chia sẻ, chuyển giao tri thức với cộng đồng CNTT, cũng như liên kết hợp tác với các trường đại học trong mảng đào tạo nhằm nâng cao năng lực của lực lượng CNTT để cung cấp cho thị trường CNTT quốc tế. Bên cạnh đó, Công ty Hahalolo (mạng xã hội du lịch đầu tiên của người Việt) đã cam kết với Đại học Huế về hợp tác xây dựng mô hình đào tạo thực nghiệm theo cơ chế đặc thù lĩnh vực CNTT và Du lịch. Theo đó, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ và Khoa Du lịch - Đại học Huế sẽ là hai đơn vị đầu tư chiến lược của Hahalolo trong giai đoạn 2020 - 2030, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo 10.000 nhân lực trong lĩnh vực trên.
Mục tiêu đến năm 2025, thị trường công nghiệp CNTT tỉnh sẽ có cơ cấu gồm bốn loại hình doanh nghiệp: chủ lực, nền tảng, thị trường và tiềm năng (khởi nghiệp). Tỉnh sẽ tập trung phát triển từ 03 đến 05 doanh nghiệp chủ lực với quy mô mỗi doanh nghiệp từ 1.000 đến 3.000 nhân lực, dành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cao nhất để hình thành những “cú huých”, dẫn dắt thị trường CNTT của địa phương và đầu mối lôi kéo, đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc, Ấn Độ sang Đông Nam Á, mà Việt Nam là một trong những điểm sáng. Theo số liệu khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp chủ lực tăng theo từng năm và đến năm 2025, tổng số nhân lực CNTT trong các doanh nghiệp này là 8.469 người. Chiến lược phát triển nhân lực CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển theo từng vị trí cao cấp/chuyên gia, trung cấp/quản lý và chuyên viên/lập trình viên, trong đó tập trung thu hút nhân lực chuyên gia cao cấp đến làm việc tại địa phương.
Những giải pháp trong phát triển nguồn nhân lực CNTT tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Phát triển nguồn nhân lực CNTT phục vụ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước là vấn đề sớm được đặt ra trong định hướng của Đảng và tổ chức triển khai của Chính phủ. Kết quả thực hiện thời gian qua đã đóng góp những thành tựu tích cực cho công cuộc phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, hệ thống đào tạo trong nước hiện còn tồn tại nhiều bất cập, từ chất lượng đội ngũ giảng viên đến cơ sở vật chất chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo, phương thức đào tạo vẫn theo kiểu cũ, lối mòn, thiếu sự gắn kết giữa đào tạo với thực tiễn, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu của doanh nghiệp và cũng như xu hướng phát triển hiện nay.
Thừa Thiên Huế dự kiến có một giải pháp đồng bộ để thu hút nguồn nhân lực chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước về làm việc tại Huế, trong đó có những người con của Huế. Lãnh đạo tỉnh sẽ phát đi một thông điệp về chiến lược phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu, lấy công nghiệp CNTT làm động lực đổi mới, từ đó xây dựng một khát vọng của người dân Huế về một “Giấc mơ Huế - Giấc mơ của sáng tạo số”. Những người con Huế từ khắp nơi, chuyên gia cao cấp về CNTT sẽ đến Huế làm việc và cùng địa phương thực hiện một giấc mơ sáng tạo, trong một môi trường làm việc an toàn, “Xanh - Sạch – Sáng”. Tỉnh cũng tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên CNTT tại các trường đại học, cao đẳng vừa là người truyền thụ kiến thức cho sinh viên, vừa là người quản lý doanh nghiệp nhằm giữ, thu hút sinh viên CNTT ở lại Huế làm việc. Mỗi giảng viên CNTT là một cố vấn khởi nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo công nghệ số tại các cơ sở đào tạo về CNTT.
Nhằm phát huy lợi thế là vùng đất học, vùng đất của trí tuệ, lãnh đạo tỉnh cũng đã định hướng các cơ sở đào tạo hình thành các câu lạc bộ về trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, thay đổi nội dung dạy và học của môn tin học trong chương trình giáo dục phổ thông, xây dựng Quỹ học bổng để đào tạo ngành CNTT cho các em đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, sinh viên đạt giải trong các kỳ thi Olympic về tin học. Đây là nguồn nhân lực lâu dài để hình thành đội ngũ nhân lực cao cấp, nhân lực quản lý về CNTT trong tương lai.
Để hoàn thành những mục tiêu phát triển nguồn nhân lực CNTT của tỉnh Thừa Thiên Huế theo kế hoạch đề ra, cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm, cụ thể sau:
Một là, cần nhất quán phương châm chủ động đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động. Bài toán về phát triển nguồn nhân lực nói chung, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đã có thêm những tiêu chí, điều kiện ràng buộc mới, hết sức khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo. Các cơ sở đào tạo phải nhanh chóng thay đổi từ phương pháp cũ sang cách tiếp cận mới để chủ động triển khai các công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và hướng đến cùng doanh nghiệp làm chủ công nghệ, đón đầu xu hướng. Điều này sẽ giúp chúng ta tránh được nguy cơ tụt hậu và đào thải.
Hệ thống đào tạo cả nước cần sớm đổi mới nội dung và chương trình đào tạo nhằm đáp ứng trước những thay đổi từ thực tiễn. Trong lĩnh vực CNTT, một số chuyên ngành cũng như những kỹ năng, kiến thức mới cần được các trường nghiên cứu, bổ sung như: cơ điện tử; công nghệ thông tin, trong đó đặc biệt chú trọng lĩnh vực khoa học dữ liệu, an ninh, an toàn thông tin… Đặc biệt, đổi mới phương thức đào tạo và quản trị đại học, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy và quản trị trường đại học; nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học cũng như cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Hai là, cần đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực CNTT trong tương lai gần và dài hạn. Đây là nội dung cần được đặc biệt quan tâm, bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn tới cơ cấu của nền kinh tế cũng như cơ cấu về nguồn nhân lực với tốc độ thay đổi rất nhanh; khả năng suy giảm, thậm chí mất đi của nhiều ngành nghề cũng như sự xuất hiện mới của những ngành nghề trong tương lai (trong đó có ngành công nghiệp CNTT) là hoàn toàn có thể xảy ra, điều này sẽ dẫn tới những thay đổi rất lớn trong cơ cấu việc làm. Từ việc dự báo nhu cầu và xu hướng việc làm, các đơn vị đào tạo cũng phải lưu ý việc điều chỉnh về phương thức đào tạo để tăng năng lực học tập liên tục và chuyển đổi nghề nghiệp, thay đổi môi trường làm việc thông qua cũng là một nhiệm vụ trong công tác dự báo.
Ba là, thực hiện tốt sự kết hợp giữa “ba nhà”: Nhà trường - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện tại, chủ yếu là phía doanh nghiệp có nhu cầu gắn kết với nhà trường - nhà khoa học, còn nhà trường, nhất là các trường công lập, chỉ tập trung công tác đào tạo chứ chưa chủ động hợp tác với doanh nghiệp hoặc các chương trình hợp tác chỉ mới ở mức độ tuyển sinh và tuyển dụng việc làm. Các trường đại học trong nước cần học tập kinh nghiệm đào tạo của các trường đại học ở nước ngoài, nhất là trong việc xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, các phòng thử nghiệm Fablab gắn rất chặt với doanh nghiệp tại trường đại học, cao đẳng. Nhờ những mô hình này, sinh viên được học tập ở môi trường thực tiễn, được hướng dẫn, thực tập tại theo mô hình học thông qua làm thực tế (learing by doing); các doanh nghiệp hợp tác với các trường để hỗ trợ, cùng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho bản thân doanh nghiệp và xã hội.
Bốn là, cần rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động trong cả nước, từng vùng và địa phương. Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm. Thực hiện tốt công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng. Xây dựng cơ chế, chính sách phân luồng đào tạo sau trung học cơ sở, gắn với đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Đẩy mạnh và hướng tới hoàn thiện nền kinh tế tri thức, trong đó, công nghiệp CNTT phải là chuyên ngành mũi nhọn cần tập trung chú trọng trong hướng nghiệp, đào tạo nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết của nền kinh tế số đang phát triển mang tính toàn cầu./.
Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế