Chiều ngày 18/8, trong khuôn khổ các hoạt động chính của Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2022, Hội nghị chuyên đề với chủ đề "Chuyển đổi số - phát huy sức mạnh di sản - văn hoá - Tạo đà phát triển kinh tế số" đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường khách sạn Century (49 Lê Lợi, thành phố Huế).
Thừa Thiên Huế đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh; 03 di sản phi vật thể cấp quốc gia; 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có 07 di sản được UNESCO. Với hệ thống di sản đồ sộ, Thừa Thiên Huế kỳ vọng: Đẩy mạnh chuyển đổi số các di sản văn hóa nhằm phát huy sức mạnh của các di sản văn hóa, tạo ra nhiều những sản phẩm du lịch mới, mô hình du lịch mới. Sự phát triển của ngành du lịch tại Huế sẽ tạo đà phát triển đột phá kinh tế - xã hội tại địa phương.
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế với báo cáo "Định hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa - di sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế"
Nêu lên sự cần thiết của chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa di sản ở Thừa Thiên Huế cùng những thuận lợi, khó khăn và thách thức trong hoạt động này, tại chương trình, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Thừa Thiên Huế đã nêu lên các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trước mắt, đó là đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tổng kiểm kê di sản văn hóa, lễ hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; tăng cường công tác số hóa trong toàn ngành, đặc biệt các đơn vị trong khối di sản văn hóa, tại các bảo tàng, di tích và nhất là số hóa các Bảo vật Quốc gia bằng công nghệ VR-3D; bên cạnh đó tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý và người làm công tác văn hóa, di sản...
Công tác chuyển đổi số trong ngành văn hóa - du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đạt nhiều kết quả nổi bật trong năm 2022
Thời gian vừa qua, ngành văn hóa - du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực trong công tác chuyển đổi số với nhiều giải pháp, ứng dụng hiệu quả: "Không gian ảo quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế" của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp với Công ty Cổ phần Vietsoftpro tổ chức xây dựng; App Di tích Huế do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng và gần đây nhất là ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D Mapping tại Chương trình nghệ thuật khai màn Tuần lễ Festival Huế 2022 đã góp phần tạo nét đặc sắc riêng và thành công chung cho Lễ hội Festival Huế 2022. Trong thời gian tới, một số sản phẩm như App Visithue, Hệ thống vé điện tử Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ được đưa vào sử dụng sẽ góp phần phát huy hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và phát huy giá trị di tích, di sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hội thảo chuyên đề thu hút sự quan tâm của các lãnh đạo, chuyên gia và các doanh nghiệp CNTT
Các chuyên gia đưa ra các giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa cho Thừa Thiên Huế
Cũng tại chương trình, các chuyên gia, diễn giả đã tập trung bàn thảo, chia sẻ kinh nghiệm và kế hoạch số hóa các di sản văn hóa. Đây đồng thời cũng là một chủ trương lớn của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch. Những giải pháp VR, 3D mapping đã và đang được đẩy mạnh tại các địa phương, giúp công tác bảo tồn, lữu trữ và phổ biến các giá trị văn hóa được dễ dàng. Việc hoàn thiện số hóa các di sản văn hóa là cơ sở, là dữ liệu cho bước phát triển tiếp theo. Các chuyên gia đề xuất Huế cần sớm hoàn thiện Hệ thống du lịch thông minh – Smart Tourism để tận dụng, khai thác hiệu quả các dữ liệu số này, tạo đột phá cho du lịch của Huế.