Chiều ngày 9/10/2020 tại thành phố Huế, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Hội đồng quản lý Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức Hội thảo "Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung và các địa phương trong chuyển đổi số". Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo Vụ CNTT – Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế cùng hơn 100 đại biểu đến từ nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Hội thảo: Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung và các địa phương trong chuyển đổi số
Cập nhật:09/10/2020 4:35:17 CH
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu khai mạc Hội thảo
Chiều ngày 9/10/2020 tại thành phố Huế, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Hội đồng quản lý Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức Hội thảo "Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung và các địa phương trong chuyển đổi số". Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo Vụ CNTT – Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế cùng hơn 100 đại biểu đến từ nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Hội thảo nhằm giới thiệu các sản phẩm, giải pháp của các thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung đến các đơn vị sở ngành, tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)… tại Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế luôn quan tâm, chú trọng phát triển công nghệ thông tin và đang rất tích cực triển khai Kế hoạch chuyển đổi số. UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình Chuyển đổi số của tỉnh, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số và đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế với một trong những nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu, đề xuất cho tỉnh về các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý nhằm thúc đẩy xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, dịch vụ đô thị thông minh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình bày tỏ hy vọng qua Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung và các địa phương trong chuyển đổi số” được diễn ra tại Thừa Thiên Huế lần này sẽ là một cơ hội lớn cho các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như các địa phương có cái nhìn tổng thể về chuyển đổi số, là cơ sở để quyết tâm hơn quá trình chuyển đổi số. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan, doanh nghiệp có thể tiếp cận với các phương thức, công cụ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số được diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn.
Tại hội thảo, bên cạnh việc phân tích, dự báo và khả năng ứng dụng của Chuyển đổi số trong các lĩnh vực như giao thông công cộng, giáo dục đào tạo cũng như việc triển khai đào tạo cho tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung, các diễn giả còn trình bày các tham luận liên quan đến các giải pháp công nghệ như: “Xây dựng cặp song sinh kỹ thuật số cho đô thị ứng dụng Nền tảng bản đồ số Map4D và Vr360” (TS. Trịnh Công Duy, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công nghệ, Công ty TNHH IOTLink); “Giới thiệu và demo giải pháp quản lý camera thông minh (VMS) và giải pháp quản lý kiểm soát lực lượng an ninh (MiGuards)” (Bà Nhiêu Quốc Trân, Trưởng bộ phận Giải pháp công nghệ, QTSC); Ứng dụng AI trong việc chuyển đổi số giúp tổ chức, doanh nghiệp trong việc quản lý thông tin (Bà Trần Thị Diệu Thuần, Giám đốc JKA Việt Nam); Giải pháp văn phòng điện tử cho doanh nghiệp (Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng Tư vấn thiết kế và sản xuất, HueCIT).
Toàn cảnh Hội thảo
Có thể nói rằng, Chuyển đổi số đang trở thành xu thế mạnh mẽ, có tính chất tất yếu, thậm chí là sống còn đối với tất cả các ngành, cơ quan tổ chức, doanh nghiệp. Với nỗ lực xây dựng phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang có những bước đi táo bạo khi xác định công nghệ thông tin và truyền thông là ngành đột phá.
Ngày 31/7/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt chương trình Chuyển đổi số của tỉnh, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số và đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế với một trong những nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu, đề xuất cho tỉnh về các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, dịch vụ đô thị thông minh.
Những năm gần đây, Thừa Thiên Huế luôn nằm trong top các địa phương dẫn đần cả nước về các chỉ số ứng dụng CNTT cũng như đạt được một số thành tựu nổi bật đối với các ứng dụng về công nghệ, có thể kể đến như: “Dự án Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” tại Telecom Asia Awards 2019 với dự án Trung tâm điều hành thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Danh hiệu Sao Khuê 2020 đối với Giải pháp phản ánh hiện trường (ứng dụng Hue-S) và mới nhất là danh hiệu “Cơ quan, nhà nước Chuyển đổi số xuất sắc” dành cho Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) với sản phẩm “Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành”.
“Hệ thống quản lý văn bản và Điều hành” là một sản phẩm do HueCIT xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng Khung kỹ thuật chính quyền điện tử và hệ thống công sở điện tử đa cấp tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ năm 2017 đến nay, sản phẩm đã được triển khai, ứng dụng từ cấp tỉnh đến cấp xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhờ sản phẩm này, trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh và phát huy hiệu quả ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, tạo ra môi trường làm việc thân thiện, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đồng thời, sản phẩm tạo sự thay đổi tích cực trong các quy trình xử lý thông tin, chỉ đạo, điều hành công việc của lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên trong các cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện cải cách hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế.